Vì sao bạn nên tham gia trại hè?

0

Tháng 6 – tháng 7 sẽ là những ngày sôi động nhất của mùa hè, với những chương trình trại thật hấp dẫn đang chờ đón các bạn ở mỗi phân đoàn

Bạn sẽ luôn có nhiều lý do để không đi trại: vì lười, vì không thích, vì không có bạn chơi chung, vì không dám đi…

NHƯNG nếu có 1 lý do để thuyết phục bạn cùng tham gia trại hè, lý do đó là gì? Hãy cùng xem và cảm nhận nhé.

#Những tình bạn theo năm tháng 

Cuộc đời mỗi người sẽ luôn có cho mình những người bạn đồng hành, bạn có thể tìm cho mình những người bạn gắn bó với mình từ thơ ấu, thiếu niên đến trưởng thành, trải qua mọi chuyện cùng nhau

# Bạn được sống thật, bỏ qua thế giới ảo 

#Bạn được tự đôi tay mình nấu bữa ăn, dựng cái lều, dọn dẹp chỗ nghỉ ngơi, bảo về lều trại của mình

#Bạn có một tập thể gắn kết

#Bạn được thoả sức sáng tạo 

#WE ARE THE ONE

#Những đêm dài bất tận bởi đám bạn… bất trị

#Những màn hoá trang kinh điển đi cùng năm tháng

Còn bạn, kỷ niệm của bạn với trại hè là gì?

Để ngày Chúa đến

0

Chúa giáng trần là ân phúc của toàn thể nhân loại, là ánh sáng cứu độ chiếu soi cho thế trần. Người người hân hoan, nhà nhà reo vui mong chờ ngày hồng ân.

Và đối với cộng đoàn dân Chúa, sự đón tiếp Chúa được chuẩn bị kỹ càng từ tâm hồn đến những trang hoàng khuôn viên Thánh Đường.

15645450_1815055095435908_351131270_n

Còn đối với Thiếu nhi chúng con, với tâm tình đơn sơ bé nhỏ của  mình, chúng con đã được đóng góp phần bé nhỏ của mình vào trong công việc chuẩn bị chung với Giáo xứ qua phần Hoạt cảnh giáng sinh do chính chúng con trình bày.

15644260_1815055092102575_590286809_n

Từ những ngày cuối của mùa Thường Niên, Quý Sơ đã cất công lên chương trình, chuẩn bị mọi thứ để hướng dẫn cho chúng con trong hoạt cảnh đêm canh thức Giáng Sinh, được trình diễn cho Cộng đoàn dân Chúa cùng đón Chúa Hài Đồng.

Công khó của Quý sơ đó là sự hi sinh thời gian quý báu của mình để hướng dẫn cho chúng con. Mỗi động tác, mỗi cử chỉ, mỗi câu thoại, mỗi đoạn âm thanh đều là sự tỉ mỉ, chu đáo và tận tâm để chỉ bảo chúng con thật cụ thể.

15673150_1815055112102573_76674743_n

Sự hi sinh của Quý phụ huynh khi tất tả đưa đón, chờ đợi và lo lắng cho mỗi thành viên của đội hoạt cảnh. Giữa bộn bề công việc và vất vả lo toan thường nhật, Quý Phụ huynh vẫn luôn đồng hành cùng đoàn chúng con để cho phép các em được tham gia và hoàn thành vai trò của mình.

15645778_1815055108769240_1985174465_n

Sự nhiệt tình của toàn thể đội hoạt cảnh, những buổi tối vừa kết thúc chương trình học thêm, chén cơm chưa kịp ăn, ly sữa chưa kịp uống, các bạn thiếu nhi đã có mặt ở nhà thờ để cùng tập với các sơ. Rồi tối về, các bạn lại vẫn cố gắng hoàn thành bài vở để chu toàn bổn phận ở nhà trường. Thương lắm những tấm áo học trò ướt đẫm mồ hôi, thương lắm những tiếng cười vui vẻ của các bạn. Mỗi động tác múa, mỗi lời thoại của nhân vật đều phải tập đi tập lại rất rất nhiều lần để đảm bảo cho buổi hoạt cảnh thật sốt sắng.

Và còn đó những đóng góp âm thầm của biết bao người: những anh chị Huynh trưởng, tông đồ hỗ trợ kỹ thuật cho buổi hoạt cảnh, Quý vị ân nhân đã ủng hộ tinh thần lẫn vật chất cho đoàn chúng con.

15682625_1815055115435906_652788558_n

Và trong tâm tình đơn sơ nhỏ bé của đoàn Thiếu nhi chúng con đón chờ ngày Chúa đến, chúng con muốn dâng cho Chúa những tiết mục đầy ý nghĩa để giúp mọi người hiểu được mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể cao trọng. Chúng con cũng xin Chúa thương ban ân sủng và trả công bội hậu cho những người cộng tác với chúng con.

Một lần nữa những gì thiếu nhi chúng con đã và đang chuẩn bị cho Giáng Sinh sẽ là một món quà nhỏ bé dâng Chúa. Xin Chúa thương nhận tâm tình bé nhỏ này.

Ban Quản Trị Xứ Đoàn Kitô Vua

STT CHỨC DANH NHIỆM VỤ
1 XỨ ĐOÀN TRƯỞNG – Trực tiếp điều hành Xứ Đoàn.
– Duy trì và phát triển tinh thần đoàn kết yêu thương giữa các Ban, Ngành, Chi Đoàn.
– Triệu tập và chủ tọa những phiên họp định kỳ và bất thường của Ban Quản Trị Đoàn.
– Soạn các chương trình hoạt động chung của Xứ Đoàn.
– Ký các văn thư trong các sinh hoạt thuộc Xứ Đoàn.
2 PHÓ NỘI VỤ – Cộng tác với Đoàn Trưởng trong trách nhiệm điều hành Xứ Đoàn.
– Có trách nhiệm thay thế Đoàn Trưởng trong trường hợp vắng mặt, ốm đau, hoặc từ chức hay là bị mất tín nhiệm cho đến khi có Ban Quản Trị mới.
– Điều hành các Ban, Ngành liên hệ : triệu tập các buổi họp, thúc đẩy các Ban, Ngành liên hệ thực hiện chương trình dài hay ngắn hạn.
– Phối hợp các chương trình sinh hoạt nội bộ, đặc biệt về hành chánh và tài chánh.
– Có trách nhiệm báo cáo các sinh hoạt của Nội Vụ trong các phiên họp Ban Quản Trị.
3 PHÓ NGOẠI VỤ – Cộng tác với Đoàn Trưởng trong trách nhiệm giao tế, đối ngoại.
– Có trách nhiệm thay thế Đoàn Trường sau Đoàn Phó Nội Vụ trong trường hợp vắng mặt, ốm đau, hoặc từ chức hay là bị mất tín nhiệm cho đến khi có Ban Quản Trị mới.
– Đại diện Ban Quản Trị liên lạc với các đoàn thể bạn và nhất là Hội Phụ Huynh.
– Đại diện Ban Quản Trị tham dự các cuộc lễ, đại hội do các cấp trong Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể tổ chức hoặc các đoàn thể bạn mời.
– Đại diện Ban Quản Trị trong các việc tang lễ hoặc ốm đau.
– Phối hợp các chương trình sinh hoạt đối ngoại, tạo liên hệ tốt với các đoàn thể bạn.
– Điều hành các Ban, Ngành liên hệ : triệu tập các buổi họp, thúc đẩy các Ban, Ngành liên hệ thực hiện chương trình dài hay ngắn hạn.
– Có trách nhiệm báo cáo các sinh hoạt của Ngoại Vụ trong các phiên họp Ban quản Trị.
4 THƯ KÝ – Cập nhật danh sách, địa chỉ, số điện thoại của các Cha Tuyên Úy, Ân Nhân, và Ban Quản Trị, Huynh Trưởng,
– Thiết lập và lưu giữ hồ sơ, văn thư đi và đến, các tài liệu tổ chức, các bản phúc trình và báo cáo của các Ban, Ngành liên hệ.
– Gửi đi các văn thư hoặc thông báo của Ban Quản Trị.
– Điều phối chương trình, ghi chép và lưu giữ biên bản các buổi họp của các Ban, Ngành.
– Hỗ trợ với thủ quỹ quản lý các tài sản văn phòng của Xứ Đoàn.
5 THỦ QUỸ – Quản lý tài chánh và tất cả tài sản của Xứ Đoàn, hợp tác với Thư Ký trong việc lập sổ sách, ghi rõ tên người và ký nhận những ai đang giữ vật dụng của Xứ Đoàn.
– Thiết lập và lưu giữ hồ sơ liên quan tới việc chi thu chung.
– Báo cáo quỹ trong các buổi họp định kỳ của Ban Quản Trị.
– Cộng tác với Đoàn Phó Ngoại Vụ trong việc tìm kiếm ân nhân, gây quĩ cho Xứ Đoàn.
6 BAN PHỤNG VỤ – Kết hợp với Cha Linh Hướng, Đoàn Phó Nội Vụ tổ chức các nghi thức Phụng Vụ vào các dịp Đại Lễ, lễ Bổn Mạng, các Thánh lễ vào Chúa Nhật hằng tuần.
– Nghiên cứu và thực hiện tài liệu như giờ kinh, sách suy niệm, thánh ca hoặc những đồ dùng phụng vụ được sử dụng trong các nghi lễ hoặc sinh hoạt huấn luyện của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể.
7 BAN KỶ LUẬT – Giám sát mọi hoạt động của các Ban, ngành, chi đoàn, khóa Dự Trưởng.
– Đề ra các nội qui sinh hoạt trong Xứ Đoàn.
– Đề xuất hướng xử lý kỷ luật các trường hợp vi phạm nội qui sinh hoạt theo từng mức độ và theo hướng tăng dần.- Mọi hoạt động cần thông qua Ban Điều Hành.
8 BAN ĐỜI SỐNG – Chuyên phụ trách các buổi liên hoan, mua sắm dụng cụ cho Xứ Đoàn
– Phụ trách về sách vở, phần thưởng, khăn quàng, huy hiệu, phù hiệu, …
9 BAN VĂN THỂ MỸ – Quảng bá sinh hoạt của Xứ Đoàn đến các giới, nhất là phụ huynh để kêu gọi sự tiếp tay cộng tác.
– Phối hợp với Đoàn Phó Nội Vụ tổ chức và thực hiện bản tin sinh hoạt Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể cấp liên hệ.
– Kết hợp với Thư Ký, Thủ quĩ tổ chức mừng ngày thụ phong linh mục, lễ Bổn Mạng Quí Cha, Bổn mạng Đoàn, Bổn mạng các Huynh Trưởng.
– Thực hiện công tác trang trí, cắm hoa vào các ngày đại lễ của,Xứ Đoàn.

Lịch sử phát triển Xứ đoàn Kitô Vua

22 NĂM CHẶNG ĐƯỜNG HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA THIẾU NHI THÁNH THỂ XỨ ĐOÀN KITÔ VUA – GIÁO XỨ HOÀ HƯNG

Tiền thân của Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Hòa Hưng là phong trào Hùng Tâm Dũng Chí. Sau biến cố lịch sử 1975, phong trào tạm ngừng hoạt động. Các em thiếu nhi chỉ theo học lớp Giáo lý do Quý linh mục, tu sĩ và các anh chị giáo lý viên hướng dẫn.

Ngày 06-12-1992 Cha Gioan Maria Vianey Chu Minh Tân sau khi nhận nhiệm vụ là Cha Linh Hướng cho lớp Giáo lý, với ý muốn các em được hoàn thiện hơn về 2 mặt siêu nhiên và tự nhiên, trở thành người Kitô hữu thánh thiện và là một công dân tốt góp sức xây dựng xã hội, đã đoàn ngũ hóa lớp Giáo lý theo phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể, lấy tên gọi Xứ Đoàn Kitô Vua Hoà Hưng, và chọn lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ làm bổn mạng của Đoàn.

Mục đích: Đào luyện thanh thiếu niên về 2 phương diện: tự nhiên và siêu nhiên để họ trở thành người Kitô hữu thánh thiện và là một công dân tốt, góp phần xây dựng quê hương

Tôn chỉ: Sống lời Chúa và kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể trong cầu nguyện, chịu lễ, hy sinh, làm việc tông đồ; tôn sung Đức Mẹ, vâng phục Đức Giáo Hoàng, giáo huấn của Giáo Hội và thủ lạnh phong trào.

Thành Lập và Phát Triển

Ngày 06/12/1992 Cha Gioan Maria Vianey Chu Minh Tân chính thức nhận vai trò là linh mục Linh Hướng cho lớp Giáo Lý Hoà Hưng. Với mong muốn được gầy dựng lại phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể, cha quyết tâm huấn luyện lớp Huynh trưởng đầu tiên để tạo nền tảng vững chắc cho Xứ Đoàn trong những ngày tháng sơ khai. Lớp giáo lý ban đầu với đội ngũ chỉ có khoảng 20 anh chị cộng tác với khoảng trên 300 em thiếu nhi từ độ tuổi khai tâm đến bao đồng dần dần đoàn ngũ hoá.

Trong giai đoạn từ năm 1992 – 1994, cha Gioan Maria Vianey đích thân huấn luyện các em trong lứa tuổi bao đồng về Giáo lý và chuyên ngôn với sự hỗ trợ của một số anh chị Huynh Trưởng do Cha mời đến cộng tác. Với sự nghiêm túc trong quá trình rèn luyện, cha đã giúp cho Xứ Đoàn có được những anh chị Huynh trưởng với lòng sốt sắng đạo đức, mến yêu nhà Chúa và các em thiếu nhi, nhiệt tâm cùng Cha xây dựng phong trào.

Năm 1994 – 1995, Cha kêu gọi cộng đoàn dân Chúa đưa con em đến với đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Giai đoạn này cũng là giai đoạn khó khăn khi Cha phải đối mặt với nhiều áp lực từ bên ngoài trong bối cảnh lịch sử còn đang nhá nhem. Thấu hiểu được tâm huyết của Cha Vianey, cha chánh xứ Giuse Phạm Bá Lãm cũng đã cùng đồng hành với ngài trong công cuộc gầy dựng đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Bằng sự yêu thương và bảo bọc của một người Cha với đoàn con của mình, cha chánh xứ Giuse đã không quản ngại công khó để điều đình với Chính quyền, tạo cho Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể được một môi trường phát triển lành mạnh và bình an.

Đoàn Thiếu Nhi dần dần đi vào hoạt động theo nề nếp. bắt đầu hình thành cơ cấu hàng ngũ và trong giai đoạn này, Xứ Đoàn cũng đã có con dấu riêng của đoàn, chứng tỏ được sức sống của một đoàn thể đang mỗi ngày gia tăng.

Ngày 8/10/1995: Ca Đoàn TNTT Hoà Hưng ra mắt lần đầu tiên, do chính các em Thiếu Nhi tham gia tập hát và phụng vụ trong các giờ lễ của Đoàn.

Năm 1995: chính thức thành lập Xứ Đoàn Kitô Vua Hoà Hưng, với cha Tuyên Uý là linh mục Gioan Maria Vianey Chu Minh Tân, anh Xứ Đoàn Trưởng Phêrô Nguyễn Thành Sang, chọn Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ làm bổn mạng. Đoàn Thiếu Nhi chính thức sử dụng đồng phục chung theo quy định của Phong trào, có khăn quàng và cờ Đoàn.

Đồng Phục Thiếu Nhi Thánh Thể (Nam và Nữ):

Đồng phục Thiếu Nhi Thánh Thể được dùng cho tất cả các thành viên trong Phong Trào, tạo cho Đoàn được vẻ đẹp đồng nhất bề ngoài, bên trong nói lên tinh thần kỷ luật, vâng lời.

Mẫu áo sơ mi trắng ngắn tay có cầu vai, hai túi áo có nếp ở giữa và có nắp ở trên.Trên túi áo lần lượt có may kèm băng hiệu, huy hiệu của Phong trào ở bên trái và tên gọi cá nhân ở bên phải (đây là quy định riêng của Xứ Đoàn Kitô Vua nhằm giúp thuận tiện trong việc ghi nhớ tên gọi của nhau). Đối với nam sẽ mặc quần dài hoặc ngắn màu xanh biển đậm. Đối với nữ sẽ mặc đầm hoặc quần dài màu xanh biển đậm. Khăn quàng: Nữ thắt hình cánh bướm, nam thắt kiểu cà vạt. Giầy bata trắng, vớ trắng trắng

Phong Trào dùng màu trắng và xanh biển đậm làm sắc phục. Màu xanh nước biển nhắc nhớ người Thiếu Nhi luôn luôn vui tươi, cởi mở, rộng rãi và bao dung như dòng nước biển bao trùm đại dương. Màu trắng tượng trưng cho sự trong trắng trong tâm hồn và thanh sạch ở thể xác. Nhắc nhớ người Thiếu Nhi luôn cố gắng giữ lòng đơn sơ, thanh sạch và ngay thẳng.

Các màu khăn của đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể

  • Khăn Quàng Tuyên Uý: Màu trắng viền vàng, phía sau có Thánh Giá vàng
  • Khăn Quàng Trợ Uý: khăn quàng màu đỏ cho cả nam nữ, có viền trắng, thánh giá trắng sau
  • Khăn Quàng Huynh Trưởng: Màu đỏ, viền vàng, phía sau có Thánh Giá màu vàng.
  • Khăn Quàng Chiên Con: Màu hồng, phía sau có Thánh Giá màu vàng.
  • Khăn Quàng Ấu Nhi: Màu xanh lá mạ, phía sau có Thánh Giá màu vàng.
  • Khăn Quàng Thiếu Nhi: Màu xanh biển đậm, phía sau có Thánh Giá màu vàng.
  • Khăn Quàng Nghĩa Sĩ: Màu vàng nghệ, phía sau có Thánh Giá màu đỏ.
  • Khăn Quàng Tông Đồ Đội Trưởng: có một viền vàng trên màu khăn tương ứng màu khăn của Ấu Nhi, Thiếu Nhi, Nghĩa Sĩ
  • Khăn Quàng Dự Trưởng: Màu đỏ không viền phía sau có Thánh Giá vàng

Trong giai đoạn từ năm 1995 – 1999, với sự dẫn dắt của cha Tuyên Uý Gioan Maria Vianey Chu Minh Tân cùng quý Soeur Trợ Uý và các anh chị Huynh Trưởng, Xứ Đoàn ngày càng phát triển. Các em Thiếu Nhi dần dần tham gia đông đảo hơn. Xứ Đoàn Kitô Vua là nơi rèn luyện cho các em về cả hai phương diện đạo đức và kỹ năng sống, giúp các em học hỏi lời Chúa, rèn luyện bản thân trở thành con người có ích cho gia đình và xã hội.

Bên cạnh việc học hỏi lời Chúa và Giáo lý, các em còn được tham gia các kỳ trại hè huấn luyện với những chương trình trại hấp dẫn thú vị dành cho từng lứa tuổi. Những chuyến đi giúp các em có cơ hội khám phá thiên nhiên, cảm nhận về cuộc sống, gắn bó yêu thương với nhau trong tình huynh đệ và thêm yêu mến Chúa, yêu mến phong trào.

Cho đến nay, lần lượt các linh mục Đa Minh Hà Duy Dũng (1999 – 2005); Linh mục Giuse Huỳnh Thanh Phương (2005- 2010); Linh mục Giuse Vũ Minh Thuỳ (2010 – 2016); Linh mục Giuse Nguyễn Văn Lãnh (2016 – nay) tiếp tục đón nhận vai trò Cha Tuyên Uý của Xứ Đoàn Kitô Vua, góp phần duy trì và phát triển Xứ Đoàn ngày một thăng tiến về mọi mặt.

Ban Quản Trị Xứ Đoàn gồm 14 thành viên tương ứng với các nhiệm vụ: Xứ Đoàn Trưởng, Xứ Đoàn Phó Nội Vụ, Xứ Đoàn Phó Ngoại Vụ, Thư Ký, Thủ Quỹ, Ban Phụng Vụ, Ban Văn Thể Mỹ, Ban Đời Sống, Ban Kỷ Luật, Phân Đoàn Trưởng Chiên Con, Phân Đoàn Trưởng Ấu Nhi, Phân Đoàn Trưởng Thiếu Nhi, Phân Đoàn Trưởng Nghĩa Sĩ, Phân Đoàn Trưởng Tông Đồ chịu trách nhiệm đứng đầu trong mọi quyết định về công việc của Xứ Đoàn dưới sự hướng dẫn của Cha Tuyên Uý và Quý Soeur Trợ Uý. Các thành viên Ban Quản Trị là các anh chị Huynh trưởng được bầu cử nội bộ trong đội ngũ Huynh Trưởng để đảm nhận vai trò phù hợp với khả năng và chuyên môn của mình.

Theo dòng thời gian, Xứ Đoàn Kitô Vua đã trải qua 6 nhiệm kỳ Ban Quản Trị với sự điều hành của các anh Xứ Đoàn Trưởng lần lượt theo giai đoạn: anh Phêrô Nguyễn Thành Sang (1995 – 2005); anh Nguyễn Kim Công ( 2005 – 2008); anh Giuse Phạm Thanh Nhật (2008 – 2016) anh Giuse Bùi Đức Duy (2016 – nay).

Trong 22 năm hình thành và phát triển, mỗi năm số lượng các em Thiếu Nhi tham gia phong trào từ khoảng 800 đến 1000 em, với đại đa số là các con em trong các gia đình của Giáo xứ Hoà Hưng và một số ít là từ các Giáo xứ khác đến sinh hoạt. Mái nhà Hoà Hưng luôn là nơi thân thương của các thành viên Xứ đoàn Kitô Vua từ ngày thành lập cho đến hiện nay. Đội ngũ Huynh Trưởng cộng tác hiện nay là 104 anh chị, trong đó có đến 09 anh chị gắn bó với Xứ đoàn từ ngày thành lập Đoàn và gần 15 anh chị gắn bó hơn 10 năm với đoàn. Đoàn TNTT cũng được sự yêu thương một cách đặc biệt của Quý Soeur dòng Mến Thánh Giá với sự hiện diện của 07 Soeurs Trợ Úy của Tu Viện Mến Thánh Giá Gò Vấp, nhận vai trò là Trợ Uý cho các Phân Đoàn.

Về cơ cấu, Thiếu Nhi Thánh Thể Xứ Đoàn Kitô Vua được chia thành các phân đoàn chính như sau:

  • Phân Đoàn Chiên Con: các em từ 4 tuổi đến 6 tuổi với chương trình học Giáo Lý Khai Tâm, giúp các em làm quen với nhà Chúa với tâm tình đơn sơ dễ thương. Có khoảng 120 em trong độ tuổi này
  • Phân Đoàn Ấu Nhi: các em trong độ tuổi từ 7 tuổi đến 9 tuổi với chương trình học Giáo lý Rước Lễ, giúp các em hiểu về Giáo lý và học làm con Chúa. Có khoảng 250 em trong độ tuổi này.
  • Phân Đoàn Thiếu Nhi: các em trong độ tuổi từ 10 tuổi đến 12 tuổi với chương trình học Giáo lý Thêm Sức, giúp các em vững mạnh về mặt Đức Tin, xác tín niềm tin được làm con Chúa và yêu mến gắn bó với nhà Chúa hơn. Có khoảng 200 em trong độ tuổi này.
  • Phân Đoàn Nghĩa Sĩ: các em trong độ tuổi từ 13 tuổi đến 15 tuổi với chương trình Giáo lý Bao Đồng, giúp các em rèn luyện con người ngày một trưởng thành hơn. Có khoảng 120 em trong độ tuổi này
  • Phân Đoàn Tông Đồ: các em trong độ tuổi từ 16 tuổi đến 19 tuổi với chương trình Huấn Luyện Tông Đồ, giúp các em trở thành người Tông Đồ của Chúa, mạnh mẽ sống Đức Tin và tôi luyện con người ngày thêm trưởng thành. Có khoảng 60 em trong độ tuổi này. ( đây cũng là lực lượng nòng cốt được rèn luyện và đào tạo để là thế hệ kế thừa cho đội ngũ Huynh Trưởng)

Mỗi Phân Đoàn có 01 Soeur Trợ Uý đứng đầu, chịu trách nhiệm về chương trình học Giáo lý của từng Chi Đoàn và đội ngũ các anh chị Huynh Trưởng trực tiếp dạy dỗ và hướng dẫn các em theo Mục Đích và Tôn Chỉ của Phong trào.


Sinh Hoạt Chung của các em Thiếu Nhi

  • Hướng dẫn các em chuẩn bị nhận Bí tích Thêm Sức, Hòa Giải và Rước Lễ Lần Đầu, Bao Đồng, huấn luyện Huynh Trưởng.
  • Tổ chức trại hè cho các em nhằm ôn lại kiến thức và kỹ năng cũng như vui chơi trong dịp hè.
  • Tổ chức văn nghệ vui chơi trong các dịp mừng lễ.
  • Tổng kết phát thưởng cuối năm cho các em
  • Các em lớn có Tĩnh Tâm theo tháng và quý.
  • Phát quà cho các em thiếu nhi nghèo, ngoan giỏi vào dịp Tết hoặc Giáng Sinh.

Dành cho Huynh Trưởng

  • Anh Chị họp vào tối thứ năm và sáng Chúa nhật để học Kinh Thánh, chuyên môn, Phong trào, Nhân bản, Tu đức… và triển khai chương trình hoạt động của Đoàn.
  • Tổ chức trại huấn luyện cho các anh chị vào dịp hè để nâng cao trình độ Giáo lý và chuyên môn.
  • Tĩnh Tâm vào tối thứ năm tuần thứ tư trong tháng
  • Tổ chức thăm viếng các trung tâm có hoàn cảnh đặc biệt.
  • Tổ chức các buổi sinh hoạt, họp mặt chung để thêm tình gắn kết Huynh đệ với nhau

Giờ sinh hoạt

  • Ngày Chúa Nhật:
    • 07h25 – 07h50: Tập họp, ổn định, tập hát
    • 07h50 – 09h00: Thánh Lễ
    • 09h00 – 10h00: Giờ học Giáo Lý
    • 10h00 – 11h30: Giờ họp Huynh Trưởng theo Phân Đoàn
    • Chúa Nhật đầu tháng: Triển khai chương trình họp Ban Quản Trị trong tháng
    • Chúa Nhật tuần 2 và tuần 3: Cùng với Quý Soeurs Trợ Úy chuẩn bị bài giảng và các công việc trong tháng.
    • Chúa Nhật thứ 4: Họp phổ biến chương trình họp Ban Quản Trị sắp tới để lấy ý kiến đóng góp cho buổi họp.
  • Ngày Thứ năm:
    • 17h25 – 18h00: Tập họp, ổn định, sinh hoạt, tập hát.
    • 18h00 – 18h50: Thánh Lễ
    • 18h50 – 19h45: Học nhân bản, chuyên môn, kỹ năng, …
    • 20h00 – 20h45: Giờ Huynh Trưởng
    • Thứ năm đầu tháng: Sinh hoạt Vòng Tròn – Chuyên Môn – Vận Động
    • Thứ năm tuần 2 và 3: Học Kinh Thánh, Tu đức, Nhân bản, Phong trào, Chuyên môn…
    • Thứ năm tuần 4: Tĩnh tâm Huynh trưởng (30phút)

Lịch sinh hoạt đặc biệt:

  • Thứ năm đầu tháng : Liền sau giờ Lễ Thiếu nhi có giờ Chầu Thánh Thể
  • Thứ bảy đầu tháng : Có Bí tích Giao Hòa cho các em Thiếu nhi
    • Sáng: 07h30
    • Chiều: 14h30
  • Chúa Nhật cuối tháng : Vào lúc 10h20 có buổi họp Ban Quản Trị

CÁC NGÀY LỄ BỔN MẠNG

  • Chiên Con: Lễ Thánh Gia Thất
  • Ấu Nhi: Lễ Đức Mẹ Mân Côi
  • Thiếu Nhi: Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
  • Nghĩa Sĩ: Lễ Thánh Phêrô & Phaolô
  • Tông Đồ: Lễ Chúa Thăng Thiên
  • Huynh Trưởng: Lễ Chúa Chiên Lành
  • Ca Đoàn: Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
  • Xứ Đoàn: Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ
  • Bổn mạng phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể: Lễ Mình Máu Chúa Kitô
  • Bổn mạng Liên Đoàn Anrê Phú Yên – Giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh: Lễ Thánh Anrê Phú Yên
  • Bổn Mạng Hiệp Đoàn Mân Côi – Giáo hạt Phú Thọ: Lễ Đức Mẹ Mân Côi

Tư cách – Tác phong – Đạo đức của Huynh Trưởng

Huynh Trưởng là nhà giáo dục trẻ, vì thế đòi hỏi người Huynh Trưởng đủ trưởng thành mới có thể hướng dẫn được cho các em Thiếu Nhi. Trước hết người Huynh Trưởng cần rèn luyện cho mình một tư các, tác phong của Người Thầy và một đời sống đạo thật sự.
Huynh Trưởng là nhà giáo dục trẻ, vì thế đòi hỏi người Huynh Trưởng đủ trưởng thành mới có thể hướng dẫn được cho các em Thiếu Nhi. Trước hết người Huynh Trưởng cần rèn luyện cho mình một tư các, tác phong của Người Thầy và một đời sống đạo thật sự.

1. Tư Cách & Tác Phong

  • Tư cách: Nét riêng biệt của một người khiến người khác cảm phục, yêu mến, ái mộ.
  • Tác phong: Sự biểu lộ trạng thái của con người ra bên ngoài qua cách ăn ở, sự cư xử và các sinh hoạt khác như vệ sinh cá nhân, cách ăn mặc, lối đi đứng, lời ăn tiếng nói.

Nói tóm lại, tư cách là phẩm chất đạo đức tiềm ẩn ở trong được biểu lộ ra ngoài qua tác phong của một người.

2. Mục đích của Phong trào

  • Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể áp dụng các phương pháp tự nhiên và siêu nhiên để huấn luyện đoàn
  • Người Huynh Trưởng là tấm gương để các em thiếu nhi noi theo. Do đó, Huynh trưởng cần phải xây dựng chính mình

I. TƯ CÁCH TÁC PHONG NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG

A. Huynh Trưởng Là Ai?

– Huynh trưởng là người tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu ở trần gian để trông coi, hướng dẫn và giáo dục các em.

– Huynh trưởng còn là người đứng đầu đơn vị, cótrách nhiệm trực tiếp trên đoàn sinh.

Sứ Mạng: Huynh trưởng không phải là một nghề vì có thể bỏ. Trái lại, Huynh Trưởng là một sứ mạng. Sứ mạng của người Huynh Trưởng là làm cho đức tin của các em thiếu nhi nẩy nở.

Hướng dẫn: Đối với Đoàn sinh, người huynh trưởng là thầy, là anh chị, là bạn, là thần tượng. Để thành công trong việc hướng dẫn, người huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh thể phải biết lắng nghe các em.

Giáo Dục: Dạy điều mình sống và sống điều mình dạy. Phương pháp tốt nhất để giáo dục là sống như một chứng nhân.

Trách Nhiệm: Lập đoàn thì dễ, duy trì đoàn mới là chuyện khó. Ngoài công lao khai sáng đoàn, Huynh Trưởng còn có tránh nhiệm nuôi dưỡng và hướng dẫn đoàn, làm cho đoàn phát triển và đạt được mục đích cách tốt đẹp.

Đường dẫn tới hư vong là đường thênh thang, đường về chân lý là đường hẹp. Làm Huynh Trưởng là bước vào con đường hẹp. Để hoàn thành sứ mạng một cách dễ dàng, Huynh Trưởng cần phải có các phần hơn :

Có tuổi, có kinh nghiệm, có trách nhiệm.

Có kiến thức. Không phải là có bằng cấp vì đó chỉ là tri thức mà là biết xử dụng kiến thức của mình. Người Huynh Trưởng phải biết tự học.

Có trái tim. Huynh trưởng phải có tình yêu và tình cảm cao thượng. Nước mắt chảy xuôi chứ không chảy ngược. Người Huynh Trưởng phải biết nhìn xuống đoàn sinh để thương yêu và tha thứ chứ không thù hằn.

Một đời sống gương mẫu . . . “ Người ta gây được ảnh hưởng tốt là nhờ cách người ta sống hơn là do lời người ta nói.

Một tình thương chân thật:

B. Phổ quát : yêu tất cả không trừ em nào.

⇒Vô vị lợi : Không mong gì hơn là trẻ em trở nên tốt hơn.

⇒Thanh sạch : loại trừ mọi lý do thế tục.

⇒Hy sinh : dấn thân chấp nhận tất cả vì yêu.

C. Một ý chí kiên cường:

⇒Nhẫn nại: dầu không kết quả hay gặp khó khăn.

⇒Điềm tĩnh : không ồ ạt theo hứng hay tình cảm bộc phát.

D. Các Đức Tính của Người Huynh Trưởng

Người Huynh Trưởng là một người lãnh đạo nên phải có những đức tính của một nhà lãnh đạo.

  • Vui vẻ: để hấp dẫn kẻ khác.
  • Lịch sự: trong giao tiếp để người khác mến mộ.
  • Điềm tĩnh: điềm đạm, tỉnh trí để giải quyết công việc.
  • Tế nhị: nhất là trong vấn đề thưởng phạt.
  • Kiên nhẫn: không lùi bước trước khó khăn và hoàn tất công việc.
  • Bao dung: để tha thứ.
  • Trách nhiệm: chu toàn bổn phận
  • Cầu tiến: học hỏi, canh tân
  • Phục thiện: biết lỗi và sửa sai.
  • Chân thật: không dối trá
  • Kỹ lưỡng: kiểm điểm công việc.

II. ĐẠO ĐỨC NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG
+ Đạo Đức: Không nhằm.

  • Một cái đạo đức tầm thường: vừa đủ để lên thiên đàng.
  • Một cái đạo đức kém trưởng thành: chỉ lo làm việc đạo đức theo tình cảm và thiếu sống đạo.
  • Một cái đạo đức giả tạo: làm mọi việc như các tín hữu khác mà thiếu đời sống Ki-tô hữu thực.
  • Phải nhằm đào luyện một nền đạo đức: sáng chói những đặc điểm

+ Một Đức Tin:

  • Sống động: phải là chứng nhân thực sự của một thực tại vô hình.
  • Trưởng thành : Chúa muốn thế chứ không phải do phần thưởng.
  • Kiên cường : can đảm và thẳng thắn đến cùng.

+ Một đời sống Cầu Nguyện:

  • Đó là một cuộc đối thoại linh động và chân thành với Thiên Chúa
  • Một sự nâng cao tâm hồn rất thân mật.
  • Một sự nâng đỡ hoàn toàn hữu hiệu “ Không có Ta, các con không làm gì được “ ( Jn 15,5 ).
  • Một ảnh hưởng chân thật : gương sáng.

+ Một đức Bác Ái

  • Nguyên nhân của mọi giá trị. “ Không có đức ái mọi sự chỉ là hư vô ” (Icor 13, 1-3 )
  • Bằng chứng của một tình yêu siêu nhiên.
  • Nhập thể trong cuộc sống.

1. Cầu Nguyện

Cầu nguyện là tôn thờ Chúa, cảm tạ Người vì mọi ơn lành Người ban, cầu khẩn Người ban cho việc ta cần và xin tha thứ cũng như đền tội của ta.

Cầu nguyện là hơi thở của người Kitô hữu. Cầu nguyện là tâm sự với Chúa, là nâng tâm hồn lên cùng Chúa với một cái nhìn yêu thương, là nói chuyện với Chúa và lắng nghe Chúa nói với mình. “Khi các con cầu nguyện, đừng lo phải nói gì…”

Với sứ mệnh hướng dẫn các em thiếu nhi, người Huynh Trưởng phải biết lắng nghe đoàn sinh. Cũng như khi ta nói chuyện với Chúa, nên để Chúa nói với chúng ta.

2. Rước Lễ

Là kết hợp với Chúa để trở nên giống Chúa hơn. Người Huynh Trưởng mà không coi thánh lễ và thánh thể là trung tâm của đời sống, chưa tham dự thánh lễ và rước Chúa mỗi ngày thì quả là một điều đáng buồn. Ước gì mỗi Huynh Trưởng hiểu rõ ý nghĩa và tầm cao trọng của thánh lễ và thánh thể. “Tôi sống không phải là tôi sống, chính Chúa sống trong tôi.”

3. Hy Sinh

Nhìn thấy Chúa Kitô nơi người khác. Nếu người Huynh Trưởng biết mở con mắt linh hồn để thấy Chúa nơi người khác, nơi các em đoàn sinh, chắc chắn sự đối xử của Huynh Trưởng sẽ biến đổi và sự hy sinh theo như 14 mối thương người sẽ có ý nghĩahơn đối với người Huynh Trưởng. (Tình yêu là một đóa hoa, sắc là dâng hiến hương là hy sinh.)

4. Làm Tông Đồ

– Làm người khác nhận ra Chúa Kitô hiện diện nơi mình. Người Huynh Trưởng đeo chiếc khăn chính là đang làm tông đồ.

– Người Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể cũng cần phải tập các nhân đức mà người ta thường gọi là 12 nhân đức của Đức Mẹ.

  • 3 nhân đức đối thần: Tin – Cậy – Mến
  • 4 nhân đức luân lý: Khôn ngoan – Công bằng – Can đảm – Tiết độ
  • 3 nhân đức tu trì: Vâng lời – Trong sạch – Khó nghèo
  • 2 nhân đức Chúa Giêsu: Khiêm nhường – Hiền lành

III. ÁP DỤNG

  1. Cầu Nguyện : Đọc kinh thánh, chia sẻ lời Chúa, viếng thánh thể,
  2. Cởi Mở : Đến với người khác, kết bạn.
  3. Tôn Trọng Nhau: Đúng giờ, cộng tác…
  4. Học Hỏi : Ghi chép, thảo luận…

IV. KẾT LUẬN
Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể phải ý thức mình mang một sứ mệnh hướng dẫn và giáo dục đoàn sinh. Do đó, Huynh Trưởng phải luôn luôn tu luyện để có một tư cách và tác phong đứng đắn, một đời sống đạo đức, một tầm hiểu biết sâu rộng và các đức tính tốt.

Là người có sứ mạng đem các đoàn sinh đến với Chúa, người Huynh Trưởng phải là một tấm gương sáng và dám nói như thánh Phaolô đã nói: “Hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Chúa Kitô.”

Nội quy Phong Trào TNTT

[mp_row]

[mp_span col=”12″]

[mp_row_inner]

[mp_span_inner col=”12″]

Đây là bản Nội quy chính thức dù đã trải qua bao nhiêu thời gian, đây là kim chỉ Nam mà Liên đoàn An Rê Phú Yên và các giáo phận bạn đang áp dụng, dù chưa cập nhật nhưng nó vẫn mang tính chính thức, vì muốn thay đổi phải có sự đồng ý của HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM.

Bản Nội Quy TỔNG LIÊN ĐOÀN năm 1974 đã được Hội Đồng Lãnh Đạo Toàn Quốc thảo luận và chung quyết từ ngày 1-4/12/1970 tại Vĩnh Long, được bổ túc bởi BLĐ Tổng Liên Đoàn TNTT năm 1973 tại Betania, Chí Hoà; được HĐGM/VN phê chuẩn và chấp thuận bằng văn thư số : 16/74/GMĐT/TĐGD ngày 22.8.74 do ĐGM Micae Nguyễn Khắc Ngữ ấn ký.
Nội Quy gồm có 8 chương và 77 điều với nội dung như sau :

[/mp_span_inner]

[/mp_row_inner]

[mp_row_inner]

[mp_span_inner col=”12″]

[mp_download_button attachment=”539″ text=”TẢI VỀ NỘI QUY PHONG TRÀO TNTT” icon=”fa fa-download” icon_position=”left” full_width=”true” align=”left” mp_style_classes=”motopress-btn-color-silver motopress-btn-size-middle motopress-btn-rounded motopress-btn-icon-indent-small” margin=”0,0,0,0″]

[/mp_span_inner]

[/mp_row_inner]

[/mp_span]

[/mp_row]

Cách trình diện

  • ĐỘI

Được lệnh trình diện đội, đội trưởng báo cho đoàn sinh sửa lại y phục, xong hô tên đội…, cả đội đáp lại rồi đội trưởng dẫn đội chạy vòng sau lưng Trưởng hướng ngược chiều kim đồng hồ rồi xếp hàng ngang trước mặt Trưởng, cách Trưởng 3 bước liệu sao để Trưởng ở ngay giữa.

Đội trưởng so hàng: dùng thủ hiệu hay có thể hô:

– Phaolô (Teresa, Gorretti…) hàng dọc nhìn trước … thẳng!

– Phất!

– Nghỉ!

– Phaolô: anh dũng (Thế nghiêm) (Khẩu hiệu đội)

– Bên trái … quay! Hoặc phất mạnh cờ sang trái.

– Chuẩn bị chào … chào!

– Cả đội chào và chờ Trưởng chào lại xong mới bỏ tay xuống. Đội trưởng tiến lên trước mặt Trưởng chào, trình diện (nếu cần).

Trình diện xong, cả đội chào Trưởng, rồi mới lui về góc độ.

Trường hợp cả đội trình diện để lãnh cờ danh dự,

– Đội trưởng sẽ tiến đến trước mặt Trưởng, chào, rồi hạ cờ nằm ngang xuống về phía trước, tay phải cầm cán cờ ngang vai, tay trái cầm góc cán cờ sát nách, lòng bàn tay úp xuống đất.

– Trưởng buộc cờ xong, đội trưởng chào Trưởng và lui về đội, hô cho cả đội chào trưởng. sau đó đội trưởng hô cho đội quay lại chào cả đoàn rồi mới lui về góc đội.

  • CÁ NHÂN

– Đến trước Trưởng và đứng cách khoảng 3 bước.

– Chào Trưởng,

– Đứng nghiêm chờ lệnh (chỉ thị) hay trình diện điều gì.

– Chào Trưởng trước khi lui gót.

  • CÁC ĐỘI TRƯỞNG

– Khi nghe lệnh triệu tập đội trưởng, các đội trưởng cầm cờ chạy nhanh tới xếp hàng ngang trước mặt Trưởng, đứng thế nghiêm, cách Trưởng ba bước, liệu sao để Trưởng ở ngay giữa hàng.

– Đội trưởng 1 hay đội trưởng trực khi thấy các đội trưởng đã đầy đủ và hàng ngũ ngay ngắn sẽ hô chào trưởng. Sau đó đứng nghiêm chờ lệnh hay trình diện điều gì.

– Trình diện xong, đội trưởng 1 hô chào Trưởng, rồi lui về đội.

  • HIỆU CÒI

Chuẩn bị : — (T)

Ấu Nhi : . – – . (AN)

Thiếu Nhi : — . (TN)

Nghĩa Sĩ : – . . . . (NS)

Tông Đồ: . . . . . . . (HS)

Đoàn Sinh: – . . . . . (DS)

Huynh Trưởng : . . . . – (HT)

Đội Trưởng : – . . – (ĐT)

Nghỉ : – (T)

Nghiêm : . ( E)

Nhanh chân lên : . . . . . . (V)

Cấp cứu : . . . – – – . . . (SOS)

  • KHẨU HIỆU CỦA PHONG TRÀO VÀ CÁC NGÀNH

Thiếu Nhi : Hy sinh. (chung các ngành)

Chiên Con

Ấu Nhi : Ngoan.

Thiếu Nhi : Hy sinh.

Nghĩa sĩ : Chinh phục.

Tông đồ:

Huynh Trưởng : Phụng sự.

(Mỗi khẩu hiệu chỉ hô 1 lần.)

  • KHẨU LỆNH THƯỜNG DÙNG

– Khi tập họp hàng dọc, trưởng chỉ cần thổi còi và làm thủ hiệu. nếu muốn dùng khẩu lệnh, trưởng sẽ vừa làm thủ hiệu vừa hô: “tập họp 1 (Hoặc 2, 3, 4..) hàng dọc, nhìn trước thẳng!” Các hình khác, trưởng chỉ hô “Tập họp” kèm theo thủ hiệu của hình mà Trưởng muốn tập họp.

Muốn so hàng: Đội trưởng dùng thủ hiệu hay có thể lần lượt hô:

– Phaolô (Teresa, Gorretti…) hàng dọc nhìn trước thẳng! (đồng thời giơ tay hay cờ lên)

– Phất! (hạ tay hay cờ xuống)

– Nghỉ!

– Phaolô! Anh dũng (hô 2 lần, đứng thế nghiêm)

Sau đó Đội trưởng quay về phía Trưởng điều khiển.

Muốn cho thành viên quay sang phải, trái, sau:

– Trưởng hô: Bên phải … quay. (Bên trái … quay!)

– Đằng sau … quay

– Hô chào: Chuẩn bị chào … chào! (Chào cờ… chào)

– Đi đều … bước!

– Đứng lại … đứng!

– Hướng bên phải (hoặc bên trái)… 2 (3, 4…bước) bước!

Khi đang họp nghe Trưởng hô: “Thiếu nhi” (Ấu nhi – Nghĩa sĩ), tất cả đứng phắt dậy, vừa đáp: “Hy sinh” (Ngoan – chinh phục) và đứng thế nghiêm.

Nếu thấy ồn ào, Trưởng muốn cho các em im lặng thì hô: “Thiếu nhi im” (Ấu nhi – Nghĩa sĩ). Tất cả đáp: “A” (không cần đứng dậy, nhưng phải im lặng ngay)

Cách tập họp

  • ĐIỀU KHIỂN TẬP HỌP:

+ Trước khi tập họp: Trưởng thổi một hồi còi dài chuẩn bị. Nghe lệnh, các đoàn sinh phải ngưng ngay mọi việc. Đội trưởng qui tụ đội, sửa soạn lại y phục cho ngay ngắn, nghiêm chỉnh.
+ Khi tập họp: Trưởng thổi còi lệnh kèm theo thủ hiệu đội hình. Nghe lệnh, tất cả đoàn sinh mau lẹ, trật tự, im lặng theo đội trưởng chạy đến vị trí tập họp và đứng vào đội hình theo lệnh trưởng chỉ huy.

  • CÁCH SO HÀNG ĐỘI

+ Không có cờ: Đội trưởng so hàng bằng thủ hiệu như sau: đưa tay phải ra trước mặt, làm thành 1 góc 90 độ (đưa tay từ dưới lên) bàn tay duỗi ra, 5 ngón khép lại, lòng bàn tay hướng về bên trái. Nhớ phải đứng ở thế nghiêm.
+ Khi có cờ: dùng cờ để so hàng đội như sau: Đội trưởng cầm cờ đứng ở tư thế nghiêm, đưa thẳng cờ ra trước mặt (đưa từ dưới lên). Cánh tay hợp với thân mình một góc 90 độ, cán cờ song song với thân mình. Nếu thấy đội chưa thẳng, đội trưởng sẽ dùng cờ đưa qua đưa lại để đội viên sửa lại hàng ngũ. Trong khi đó, người đội viên đứng trên cùng đưa tay phải lên, bàn tay mở ra, lòng bàn tay hướng về phía trái; còn các đội viên khác đưa tay phải chạm vai người trước mặt. Khi thấy đội đã thẳng và đầy đủ đội viên rồi, đội trưởng sẽ hô “Phất”, đội viên bỏ tay xuống, đội trưởng hô tên đội một lần đồng thời đưa cờ về thế nghiêm, đội viên đáp lại khẩu hiệu đội và cũng đứng ở thế nghiêm. (chỉ hô 1 lần khẩu hiệu đội)

Lưu ý: Khi so hàng đội, chỉ dùng tên đội và khẩu hiệu đội mà thôi, không dùng một khẩu lệnh nào khác.

* Hàng dọc: Đội trưởng dẫn đội tới ngay vị trí tập họp (cách Trưởng 3-6 bước), không chạy vòng tròn. Các đội trưởng khi so hàng xong, tự ý quay lên, đứng thế nghiêm chờ các đội khác. Đội trưởng 1 (đứng phía trái của trưởng) khi thấy các đội đã so hàng và đoàn đã hàng ngũ chỉnh tề thì hô khẩu lệnh chào trưởng điều khiển.

* Hàng ngang, chữ U: Đội Trưởng dẫn đội thứ tự chạy vòng quanh Trưởng. Tới vị trí ấn định, cho đội dừng lại và so hàng như trên. So hàng xong, đội trưởng ra lệnh cho đội quay sang trái bằng cách:
+Dùng cờ hiệu: Phất mạnh cờ sang phía trái (đoàn sinh)
+ Dùng thủ hiệu: Phất mạnh tay sang phía trái (không dùng khẩu lệnh)
Khi các đội đã hàng ngũ chỉnh tề, đội trưởng 1 ra lệnh chào trưởng điều khiển. (Đội đầu cách trưởng từ 3-6 bước)

* Vòng tròn, bán nguyệt: Các đội thứ tự chạy vòng quanh trưởng (ngược chiều kim đồng hồ). Nghe lệnh dừng lại, tự động quay vào giữa và tự xếp cho vòng tròn đều. Khi vòng tròn đều, đội trưởng hô chào trưởng điều khiển.

* Rẽ quạt: Các đội chạy vòng quanh trưởng, đến vị trí, so hàng đội xong tự động quay lên, đứng ở thế nghiêm chờ các đội khác. Khi tất cả đã sẵn sàng, đội trưởng 1 ra lệnh chào trưởng điều khiển.

* Khi tập họp đoàn, chi đoàn trưởng đứng cạnh phía bên phải của đội trưởng 1 chi đoàn mình, các huynh trưởng còn lại đứng sau chi đoàn hay phân đoàn của mình theo hàng ngang.

Nghiêm Tập

1.NGHIÊM TẬP

Nghiêm tập là một trong những bài khoá thực hành quan trọng mà Phong trào sử dụng phối hợp với Phương pháp hàng đội, nghệ thuật chỉ huy… Nghiêm tập còn là cách rèn kỷ luật, tư cách, tác phong… cho người Thiếu Nhi. Cần thực hiện thống nhất từ trên xuống dưới và được lặp đi lặp lại cho quen.

  • CÁC THẾ ĐỨNG

– Thế nghỉ: Chân trái đưa sang ngang vừa phải, hai tay sau lưng (ngang thắt lưng), bàn tay trái nắm tay phải.
– Nếu cầm cờ: tay trái để sau lưng, tay phải cầm cờ đưa ra phía trước, xéo về bên phải 1 chút (cánh tay duỗi thẳng, bàn tay ngang với thắt lưng), cán cờ chấm đất ở ngay đầu bàn chân phải.
– Thế nghiêm: Đứng thẳng người, hai gót chân sát vào nhau. Hai bàn chân mở ra một góc 45 độ. Mắt nhìn thẳng về phía trước, hai tay xuôi theo người. Nếu cầm cờ, kéo cờ sát người.

  • CÁCH ĐỔI THẾ QUAY

– Trước khi chuyển sang các động tác quay, Trưởng luôn cho đoàn sinh đứng ở tư thế nghiêm.

a-Quay bên phải:
– Trưởng dùng khẩu lệnh hô: “Bên phải……Quay”
– Hoặc Trưởng dùng cờ lệnh: tay phải cầm cờ đưa thẳng cánh ra phía trước hợp với thân mình một góc 90 độ và hất về phía bên phải của đoàn sinh (hất về phía tay trái Trưởng)
– Khi nhận lệnh quay, đoàn sinh lấy gót chân phải và các đầu ngón chân trái làm trụ.
– Xoay về bên phải 1 góc 90 độ.
– Nhấc chân trái đặt gót sát gót bàn chân phải đứng lại tư thế nghiêm.

b-Quay bên trái:
– Trưởng dùng khẩu lệnh hô: “Bên trái……Quay”
– Hoặc Trưởng dùng cờ lệnh: tay phải cầm cờ đưa thẳng cánh ra phía trước hợp với thân mình một góc 90 độ và hất về phía bên trái của đoàn sinh (hất về phía tay phải Trưởng)
– Khi nhận lệnh quay, đoàn sinh lấy gót chân trái và các đầu ngón chân phải làm trụ.
– Xoay về bên trái 1 góc 90 độ.
– Nhấc chân phải đặt gót sát gót bàn chân trái đứng lại tư thế nghiêm.

c-Quay đàng sau:
– Trưởng dùng khẩu lệnh hô: “Đàng sau……Quay”
– Khi nghe dự lệnh: “Đàng sau”, đoàn sinh nhấc bàn chân phải lên đưa ra đàng sau.
– Đặt mũi bàn chân phải đứng chấm đất cách xa gót chân trái một bàn chân, hình thành một góc 90 độ.
– Khi nghe động lệnh: “Quay”, đoàn sinh lấy gót chân trái làm trụ, mũi chân phải quay theo về phía sau theo hướng tay phải một góc 180 độ (Theo chiều kim đồng hồ), hai tay vẫn xuôi và sát thân người, chân tự động đứng về tư thế nghiêm.
– Nếu cầm cờ, tay vẫn giữ cờ xuôi sát thân người khi quay.

  • ĐỔI THẾ

– Đổi thế từ nghiêm sang nghỉ hay ngược lại bằng 3 cách:
– Dùng khẩu lệnh: Nghỉ (Thế nghỉ) Nghiêm (thế nghiêm)
– Thiếu Nhi: hy sinh (thế nghiêm)
– Dùng thủ hiệu: tay phải giơ cao trên đầu, bàn tay nắm lại (nghỉ), tay phải Trưởng phất mạnh xuống (nghiêm).
– Dùng còi: Tiếng dài (-): thế nghỉ
– Tiếng ngắn (.): thế nghiêm

  • TAN HÀNG: (chung cho các ngành) Khi muốn giải tán:

– Trưởng nắm hai tay úp chéo trước ngực rồi vung ra hai bên đồng thời hô:”Giải tán”.
– Tất cả đáp “Vui” đồng thời vung hai tay nhảy lên, biểu lộ sự vui vẻ và giải tán.

  • NGỒI VÀ ĐỨNG:

– Về đất: Hứa (ngồi xuống)
+Đồng thời ngồi ngay xuống theo trình tự sau:
+Chân phải bắt chéo trước chân trái và ngồi xuống.
+Đối với nữ: khi mặc jupe: hai chân sát nhau, quỳ xuống và gấp chân sang trái.
+Nếu có cờ: gác cán cờ trên vai phải, lá cờ nằm phía sau lưng.
– Hướng tâm: lên (đứng lên)

  • CÁCH CHÀO:

– Đưa bàn tay mặt lên ngang vai, ngón cái ép vào lòng bàn tay, 4 ngón kia thẳng. Cánh tay trong hợp với thân mình một góc 30 độ, cánh tay ngoài song song với thân mình.
– Nếu cầm cờ: chuyển cờ sang tay trái trước khi chào, chân cờ vẫn giữ nguyên vị trí cũ.
Chú ý: Khi chào cấp trên, phải đợi cho cấp trên chào lại xong mới hạ tay xuống, và vẫn giữ thế nghiêm cho đến khi có lệnh nghỉ.

  • CÁCH DI HÀNH:

– Nếu có cờ, kẹp cờ sát nách, tay phải nắm cán cờ sát người, để lá cờ nằm phía sau lưng, bàn tay phải xuôi theo cán cờ.

  • CÁC ĐỘI HÌNH:

– Trước khi tập họp, Trưởng thổi một tiếng còi dài để chuẩn bị, sau đó dùng kí hiệu Morse để tập họp. (Xem phần hiệu còi).
– Nghe lệnh, các đội chạy đến mau lẹ và tuân theo thủ hiệu của Trưởng để tập họp thành những hình thức sau đây:

1. Hàng dọc:
– Trưởng đưa tay phải thẳng ra trước mặt 90 độ (đưa từ dưới lên ngang vai) bàn tay mở ra, 5 ngón tay khép lại, lòng bàn tay hướng về phía trái. Tay trái xuôi theo thân mình ở tư thế nghiêm.
– Các đội chạy thẳng đến trước mặt Trưởng và đứng vào vị trí theo thứ tự đội hình từ trái sang phải, cách Trưởng ba đến sáu bước. Đội trực đứng phía ngoài cùng bên tay trái của Trưởng Điều Khiển làm chuẩn.

2. Hình chữ U:
– Trưởng đưa tay phải ngang vai, bàn tay nắm lại, lòng bàn tay quay vào trong, cánh tay gập lại thành 1 góc vuông.
– Các đội theo thứ tự chạy vòng quanh Trưởng ngược chiều kim đồng hồ, và xếp thành hình chữ U vuông trước mặt Trưởng.
– Liệu sao Đội Trưởng Đội 1 ngừng lại khi tới ngang phía trái của Trưởng, người đội phó đội cuối ngang phía phải của trưởng. Sao cho trưởng chỉ huy đứng giữa đội trưởng 1 và đội phó cuối.

3. Hình vòng tròn:
– Trưởng giơ hai tay vòng trên đầu, các đầu bàn tay chạm nhau, lòng bàn tay hướng về phía đỉnh đầu.
– Các đội theo thứ tự chạy vòng quanh Trưởng ngược chiều kim đồng hồ cho đến khi có hiệu lệnh của Trưởng tất cả ngừng lại và tự động quay vào trong.

4. Hình bán nguyệt:
– Trưởng giơ tay phải cong lại trên đầu, bàn tay duỗi ra, 5 ngón khép lại, lòng bàn tay úp xuống.
– Các đội theo thứ tự chạy vòng quanh Trưởng ngược chiều kim đồng hồ. Đội thứ nhất ngừng lại khi tới ngang phía trái của Trưởng. Đội cuối cùng sẽ chám dứt ở ngang phía phải của Trưởng.

5. Nhiều hàng ngang:
– Trưởng đưa tay phải ngang vai, bàn tay duỗi ra, 5 ngón tay khép lại, lòng bàn tay úp xuống.
– Các đội theo thứ tự chạy vòng quanh Trưởng ngược chiều kim đồng hồ, từng đội lần lượt đứng ngang trước mặt Trưởng. Đội sau cách đội trước 1 cánh tay, đội trên cùng cách Trưởng ba bước. Đội trưởng luôn đứng phía tay trái của Trưởng.

6. Một hàng ngang:
– Trưởng đưa thẳng tay phải ngang vai, bàn tay nắm lại, lòng bàn tay úp xuống đất.
– Các đội theo thứ tự chạy vòng quanh Trưởng ngược chiều kim đồng hồ rồi sắp hàng ngang trước mặt Trưởng. (Đội trưởng 1 luôn đứng phía tay trái của Trưởng), cách Trưởng sáu bước. Các đội tự xê dịch sao cho Trưởng chỉ huy đứng khoảng giữa của hàng.

7. Hình rẽ quạt:
– Trưởng đưa 2 tay hướng về phía trước, lòng bàn tay mở quay vào nhau thành hình rẻ quạt.
– Các đội theo thứ tự chạy vòng quanh Trưởng ngược chiều kim đồng hồ, rồi đứng vào vị trí thành hình rẽ quạt, các đội trưởng làm thành hình bán nguyệt trước mặt trưởng cách trưởng ba bước, Đội hình đúng khi trưởng không thấy người cuối cùng của mỗi đội.

Ghi Chú:
– Trong mọi đội hình: tất cả cùng chào
– Khi tập họp đội hay đoàn, tất cả phải tuyệt đối: Trật tự, im lặng, nhanh nhẹn.

KẾT NỐI

2,098Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
39Người theo dõiĐăng Ký

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

X